Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Làng Đồng Kỵ

Go down

Làng Đồng Kỵ Empty Làng Đồng Kỵ

Bài gửi by Mỹ Linh Sun Mar 08, 2009 5:36 am

Những ngày thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi nhận ra rằng cuộc sống càng hiện đại càng tỷ lệ thuận với nhu cầu sở hữu, sử dụng những thứ hiếm hoi có nguồn gốc từ hệ sinh thái rừng. Và tất cả phải trả giá đắt!
Cuộc thị sát được bắt đầu từ làng nghề mỹ nghệ chế biến sản phẩm gỗ nổi tiếng nhất miền Bắc: Làng Đồng Kỵ, Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh. Hai góc nhìn đối lập song hành tồn tại.

Góc nhìn 1: Làng có doanh thu ngang... một tỉnh nghèo!


Chúng tôi trở lại Đồng Kỵ khi mà báo giới đang ồn ã về vụ bắt giữ hàng chục tấn gỗ sưa với trị giá lên tới trên 20 tỷ đồng, nơi đến của vụ đốn hạ cây gỗ quý ở gò Đống Đa thâm nghiêm giữa lòng Hà Nội...

Xưa nay, đã gọi là làng thì người ta thường hình dung ra một quần thể những ngôi nhà nhỏ mái rạ hay mái ngói thấp thoáng sau luỹ tre, cây đa, ruộng lúa. Thế mà đến nơi vẫn gọi là "làng" này, chúng tôi hoa cả mắt bởi san sát nhà 4 -5 tầng, xây dựng bề thế, kiến trúc hiện đại và khá giống nhau trên đoạn đường chừng vài km. Chả trách từ lâu người ta đã dành cho Đồng Kỵ những từ thể hiện sức mạnh kinh tế như "làng doanh nhân", "làng giám đốc", "làng tỷ phú"!

Trái với làng sầm uất là vậy, trụ sở UBND xã Đồng Quang lọt thỏm trong khu đất rộng chừng 1.000m2, có vài nhà cấp 4 ngói đã xỉn màu, hè và sân trước lá phượng khô rụng lả tả như trường học đóng cửa mùa hè.

Chẳng khó khăn lắm để biết được những thông tin "choáng" về Đồng Kỵ: Hơn 2.600 hộ với khoảng 13.000 nhân khẩu, làng có gần 200… công ty, chưa kể xí nghiệp, công ty con. Đếm số giám đốc, phó giám đốc cũng phải ngót nghét 500 người. Có nhà cả bố, con cùng đều là giám đốc!

Còn nguồn vốn? Để mở doanh nghiệp mộc, vốn ít ra cũng 2-3 tỷ đồng. Những bậc đại gia làng gỗ Đồng Kỵ có truyền thống lâu đời thì tài sản lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, chưa kể bất động sản. Mới năm ngoái, người ta đếm cả làng có khoảng 100 xe hơi thì nay con số ấy đã quá lạc hậu, hầu hết đều là "xế hộp" đời mới mang thương hiệu Mercedes, BMW, Toyota Camry… bóng lộn.

Theo ông Ngô Hữu Tứ, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quang, mỗi năm, giá trị sản xuất từ nghề mộc của Đồng Kỵ đã đem lại doanh thu khoảng 160 đến 180 tỷ đồng, tức là lớn hơn hoặc ngang với tổng thu nhập của cả một tỉnh nghèo. Hầu như cứ một tuần là Đồng Kỵ lại có thêm lễ khai trương thành lập doanh nghiệp mới, ra mắt giám đốc mới.

Từ năm 2001, Đồng Kỵ xây dựng cả một cụm công nghiệp đồ gỗ rộng hơn 10ha, gom trên 100 công ty, xí nghiệp vào một chỗ. Bởi thế, đất tại đường chính để thuê mặt bằng giới thiệu sản phẩm ở Đồng Kỵ cũng có giá hàng chục triệu đồng/m2! Ngày nay, sản phẩm mộc gia dụng của Đồng Kỵ không chỉ đắt giá ở trong nước mà đã có mặt ở những thị trường lớn châu Âu, châu Mỹ.

Góc nhìn 2: Có bao nhiêu gỗ ngoài luồng tập kết?

Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2007 có mặt ở Đồng Kỵ chúng tôi nhận ra một điều rằng: nơi đây không ai "đứng ngoài" nghề mộc! Phụ nữ cũng có thể lăn lộn dặm trường truy mua những thứ gỗ quý hàng tuần, hàng tháng.

Ngồi uống nước đầu làng, bà hàng nước kể với chúng tôi rằng năm nay đã 67 tuổi nhưng nghề mộc đến với bà từ khi còn bé tý tẹo. Thời thanh nữ người ta là lượt áo quần dạo phố thì chồng ở nhà đục đẽo còn bà theo xe tải vào tận Kon Tum, Gia Lai tìm kiếm, đặt hàng gỗ quý. Mỗi chuyến đi cũng non nửa tháng đến một tháng, khi về có hẳn những chiếc xe tải chở gỗ với giấy tờ cần thiết.

"Không ai đứng ngoài cuộc, trẻ con chưa biết thì giúp bố mẹ chuyển gỗ, sắp đặt sản phẩm, ai có sức thì đi tìm nguồn hoặc ở lại chỉ huy nhân công" - bà hồ hởi kể và bảo dù ngót nghét thất thập nhưng nếu cần vẫn có thể đi Tây Nguyên mua gỗ, chẳng ngại ngần.
Tất thảy mọi thứ gỗ quý ở Đồng Kỵ đều được người ta đặt lên bàn cân. Gỗ càng quý càng dùng cân chính xác đến từng gam. "Chỉ mấy năm trước, ba cân gỗ sưa mới đổi được một cân gỗ trắc, ai dè..." - bà Thái kể quá khứ "hảo hán" lùng sục trong Nam ngoài Bắc mua gỗ không kém. "Tôi chạm trán kiểm lâm bao nhiêu lần, quốc lộ 14 có, đường 1A có. Nhưng tôi có "thuật" riêng, hì, khó mà tóm được bà già này lắm" - bà Thái nói như chứng tỏ sự siêu đẳng của mình trong ngón nghề luồn lách tìm gỗ.

Chuyện săn lùng gỗ quý vốn dĩ gay cấn và không phải đến bây giờ nó mới là chuyện đình đám ở Đồng Kỵ. Hỏi về thứ quý hơn vàng là gỗ sưa, bà Thái kể, vừa rồi có nhà ở ngay làng Đồng Kỵ đã kiếm được tiền tỷ từ 2 thớt gỗ sưa lâu nay dùng làm ghế nằm.
Hai thớt gỗ đó, mỗi thớt đều dày tầm gang tay, có đường kính hơn 1m. Khi rộ lên chuyện thương lái người Trung Quốc đặt hàng gỗ sưa, 2 tấm gỗ này đã được đem cân lên bán và giá cả nghe đâu lên tới 6 triệu đồng/kg.

Vấn đề đặt ra: Tồn tại nghề mộc, đương nhiên nói đến nguyên liệu gỗ quý hiếm bởi càng quý hiếm giá trị bộ sản phẩm làm ra càng cao. Làng mộc Đồng Kỵ có truyền thống từ lâu đời, việc thành lập các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh phải tuân theo quy định của pháp luật. Nguyên liệu gỗ sử dụng cho chế biến mộc, tuỳ từng thời kỳ nhưng phải là gỗ khai thác hợp pháp. Gần đây, danh mục gỗ quý càng được kiểm soát chặt chẽ và những thứ gỗ ngoài luồng có mặt ở Đồng Kỵ không phải hiếm, người ta cũng có cách "lách".
Điều này được lý giải ở hai góc độ: Một là nguyên liệu gỗ quý cung ít nhưng nhu cầu thị trường chưa bao giờ giảm, từ đây đã nảy sinh chuyện "sân sau", "sân trước" với các mối móc xích liên kết chặt chẽ từ rừng về xưởng chế biến; hai là gỗ ngoài luồng giá cả bao giờ cũng "bèo" hơn rất nhiều gỗ có dấu búa kiểm lâm.

Sự thật này dẫn tới gỗ ngoài luồng, nói cách khác là "máu rừng" vẫn âm ỉ chảy về một số xưởng chế biến, chuyển hoá thành các vật dụng cực kỳ đắt giá. Vụ lực lượng Công an bắt quả tang 100m3 gỗ sưa tại kho chứa gỗ của Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Việt Á, Đồng Quang, Từ Sơn (Bắc Ninh) vừa rồi là một minh chứng.

Trên thực tế, "máu rừng" chảy về đây đã không còn chuyện mới song để phát hiện, bắt quả tang một vụ quy mô như trên không hề đơn giản. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi có mặt tại làng Đồng Kỵ thì gỗ vẫn ngợp trời, từ những khúc gỗ to bằng ba bốn người ôm, dài vài chục mét nằm ngổn ngang trong xưởng đến những đoạn gỗ bé tẹo, chừng nắm tay và đang được cân từng cân ngay trong nhà dân.

Chỉ có điều, gỗ quý ngoài luồng thì người ta cất rất kỹ. Có người bảo rằng sau sự vụ nói trên, nhiều nhà đào hố làm hầm bê tông chôn giấu những thứ gỗ quý giá này, trên trồng rau ngụy trang?

Vận chuyển, tàng trữ nguyên liệu gỗ trái phép, người vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhưng gỗ quý bị phát giác tại nơi mà nó sắp vào máy, vào xưởng để chế ra sản phẩm đặc dụng, hoặc cũng có thể là điểm tập kết để trung chuyển đi nơi khác là đã có quá trình móc xích liên hoàn. Người bị bắt, gỗ bị thu ở xưởng, điểm tập kết là phần hậu. Không thể đưa những khối gỗ quý đó về rừng mà việc đấu tranh, ngăn chặn phải bắt đầu từ rừng.
Ai cũng hô hào giữ rừng. Nhưng thử nhìn lại trong ngôi nhà mỗi người: Có bao nhiêu sản phẩm từ rừng và trong những sản phẩm đó, bao nhiêu thứ nằm trong danh mục cấm, bao nhiêu thứ có nguồn gốc bất hợp pháp? Câu hỏi này chắc chắn không dễ trả lời!
Nhu cầu quá lớn và nguồn lợi khổng lồ đã khiến con người nhiều khi nhắm mắt "làm thịt" rừng. Ranh giới giữa khai thác có phép và khai thác trái phép quá mong manh. Đó là lý do khiến cuộc chiến giữ rừng luôn nóng bỏng.
Mỹ Linh
Mỹ Linh

Tổng số bài gửi : 89
Join date : 01/03/2009
Age : 28
Đến từ : Hà Nội

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết