Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

12.Nguyễn Nhược Pháp

Go down

12.Nguyễn Nhược Pháp Empty 12.Nguyễn Nhược Pháp

Bài gửi by Minh Châu Wed Mar 04, 2009 5:58 am

Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12-12-1914 tại Hà Nội, học luật. Ông có thơ đăng báo từ năm 18 tuổi. Tập thơ đầu tay "Ngày xưa" xuất bản lúc tác giả 20 tuổi đã xếp Nguyễn Nhược Pháp vào hàng những nhà thơ nổi tiếng khi ấy. Rất tiếc, đời thơ Nguyễn Nhược Pháp quá ngắn, ông mất vì bệnh lao ở Hà Nội ngày 19-12-1938, giữa tuổi đời 24, chưa vợ con.
Tập Ngày xưa chỉ vẻn vẹn có mười bài thơ. Hoài Thanh, trong Thi nhân Việt Nam (xuất bản 1943) phải kêu lên: Thơ in ra rất ít mà được người ta mến nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Đến nay hơn nửa thế kỷ đã chất chồng trên những trang thơ mỏng manh ấy mà lòng xúc động của bạn đọc vẫn tươi nguyên. Có gì lạ trong những nét thơ mảnh dẻ mềm mại ấy? Có gì mê hoặc trong cái hồn thơ lặng lẽ và hóm hỉnh ấy?
Đúng như tên của tập: Ngày xưa, những bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp toàn nói chuyện ngày xưa. Xưa trong cổ tích (Sơn Tinh - Thủy Tinh), trong dã sử (Mỵ Châu - Trọng Thủy), trong lịch sử (Nguyễn Thị Kim...), trong đời sống (Chùa Hương, Đi cống...). Tác giả gợi lại nét đẹp xưa của cảnh và người. Hoài cổ nhưng không xa vắng, tưởng nhớ nhưng không buồn thương. Tác giả cho ta hưởng lại những ý vị của thời xưa trong cái nhìn yêu đời, trong sáng, đầy ngộ nghĩnh.
Bài thơ Sơn Tinh - Thủy Tinh kể lại câu chuyện cổ. Cái cốt truyện mượn trong cổ tích. Nhưng những chi tiết nửa thực nửa ảo, vừa có lý, vừa vô lý, vừa nghiêm túc vừa buồn cười là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Nhược Pháp. Nhất là cái giọng kể. Đọc Nguyễn Nhược Pháp nên lưu ý cái giọng thơ. Còn nhiều bí ẩn trong cái giọng ấy lắm. Nó rất biến hóa, lúc là kể, lúc là cảm - nhiều khi nó là tất cả, trang trọng đấy mà cũng hài hước đấy, lôi cuốn một cách mê hoặc. Xét ngẫu nhiên một đoạn, như đoạn tả Mỵ Nương:

Mỵ Nương xinh như tiên trên trần
Tóc xanh viền má hây hây đỏ
Miệng nàng bé thắm như san hô
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ
Mê nàng bao nhiêu người làm thơ.
Hùng Vương thường nhìn con yêu quá
Chắp tay ngẩng lên trời tạ ân

Toàn những câu thơ giản dị, chi tiết thực lắm, thực hơn Nguyễn Du tả Kiều mà lại rất gợi rất ảo, đúng là đẹp như tiên(!) Những ý xen vào: Mê nàng bao nhiêu người làm thơ hay nhìn con yêu quá rất lòng cha của Hùng Vương là những tình cảm được hiện đại hóa rất tinh và rất hóm, hình như cũng chỉ thấy ở Nguyễn Nhược Pháp.
Một nhà thơ cùng thời với Nguyễn Nhược Pháp cũng hay quay về đề tài Ngày xưa là Phạm Huy Thông. Nhưng hai người hai bút pháp khác nhau và đều có tài năng. Phạm Huy Thông hùng tráng, kỳ vĩ, anh hùng ca. Nguyễn Nhược Pháp dịu dàng, tinh tế, trữ tình, nội tâm rất giàu nhưng ít nói, có nói cũng nhỏ nhẹ. Cái nhìn hồn nhiên tươi tắn nhưng cách cảm nghĩ vẫn thấu đáo nhân tình, thâm thúy, lúc nào cũng như giấu một nụ cười cảm thông đầy độ lượng với mọi chuyện của cõi người (và cả cõi thần). Thế giới thơ Nguyễn Nhược Pháp là thế giới của đời thường, người thường, tính nhân bản chân thật nên hóa sâu sắc. Không một tính cách nào trong thơ Nguyễn Nhược Pháp bị mất đi bản tính thực của mình. Đến vua nghĩ chuyện nhân duyên cho con: Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước và băn khoăn:

Nhưng có một nàng mà hai rể
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều

Thú vị của câu thơ là ở chữ hơi nhiều.
Cảnh dẫn lễ của chàng rể hụt Thủy Tinh hoàn toàn trong tưởng tượng nhưng miêu tả rất sống, vừa đọc lên đã hiện ra trước mắt. Đoàn rước qui mô mà cái thất bại đã thấy rồi:

Theo sau cua đỏ và tôm cá
Chia đội năm mươi hòm ngọc trai
Khập khiễng bò lê trên đất lạ
Trước thành tập tễnh đi hàng hai

Nguyễn Nhược Pháp giỏi dùng chi tiết lắm. Cái oai của Sơn Tinh:

Tay ghì cương hổ, tay cầm lau.

Phải có oai thần nên điều khiển hổ dữ chỉ cần một nhành lau. Nếu tay ghì cương hổ, tay cầm côn, bức tranh vẫn hùng dũng nhưng cái oai không còn.
Bài thơ Chùa Hương tả tình, tả cảnh, tả diễn biến tâm trạng cũng tài hoa, nhiều khám phá. Bài thơ đầy tính kịch và cũng đầy tính thơ mộng. Bài thơ này cùng với Sơn Tinh - Thủy Tinh là hai bài hay nhất của Nguyễn Nhược Pháp và cũng là hai bài góp vào phần tự hào của một giai đoạn văn chương. Chùa Hương có nhiều "xen" tâm lý rất hay của một cô gái mới lớn, lần đầu đến với tình yêu trong khung cảnh kỳ ảo của đất Phật. Cái tài quan sát lòng người của nhà thơ trẻ này có đầy đủ cái lịch lãm của một cây bút tiểu thuyết, vừa xúc động, vừa vui đùa, tiến lui tung hứng rất khéo léo. Bài thơ hết rồi mà ý thơ còn tràn sang cả câu chú thích Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết. Lấy nhau rồi là hết chuyện. Nội câu chú thích ấy cũng đủ hé cho ta thấy cái tạng cảm xúc của Nguyễn Nhược Pháp: Duyên dáng, hóm hỉnh và sâu sắc.
Nguyễn Nhược Pháp có biệt tài tạo thần thái cho cảnh vật. Chỉ vài nét là đủ dựng nên cái hồn của phong cảnh. Cảnh ma quái của giếng Trọng Thủy: gợi từ hình ảnh, từ âm thanh và cả từ âm điệu của câu thơ:

Phơn phớt hồn ma đóm lập lòe
Cú rúc. Đàn dơi bay tứ bề
Răng rắc kêu như tiếng xương đập
Gió rền, quỉ khóc, lay cành tre

Chưa cần xét đến tình, ý, tư tưởng, sự nắm bắt và tái tạo thiên nhiên ấy chính là dấu hiệu của một năng khiếu thơ ở Nguyễn Nhược Pháp. Có lẽ chính vì vậy mà chỉ mười bài thơ, quá ít ỏi đối với một đời thơ, Nguyễn Nhược Pháp vẫn đủ để ở lại với nền thơ Việt Nam.

Minh Châu

Tổng số bài gửi : 64
Join date : 04/03/2009
Age : 29

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết