Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Hội Gióng

Go down

Hội Gióng Empty Hội Gióng

Bài gửi by Mỹ Linh Mon Mar 02, 2009 4:29 am

Hội Gióng, hay Hội Phù Đổng là các lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc đồng bằng Bắc Bộ để kỷ niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hội Gióng quan trọng và hoành tráng nhất là Hội Gióng Phù Đổng được tổ chức ở đền Phù Đổng (còn gọi là đền Gióng, đền Thượng), xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngoài ra, còn có hội Gióng Chi Nam (xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội); hội Gióng Xuân Đỉnh (xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội); hội Gióng Sóc Sơn (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; hội Gióng Bộ Đầu (xã Bộ Đầu, huyện Thường Tín, Hà Tây).


Theo Nguyễn Văn Huyên thì "việc tổ chức hội Gióng như ngày nay mới bắt đầu từ khoảng thế kỷ 11, đời Lý Thái Tổ." Lý Công Uẩn trước khi sáng lập ra triều Lý sống ở chùa Kiến Sở, gần đền Phù Đổng và thường đến đây dâng hương cầu xin thần cho biết vận mệnh đất nước. Một đêm, ông nằm mơ được bài sấm gồm bốn câu thơ:

一鉢功德水
隨緣化世間
光光重照爥
沒影日登山

Nhất bát công đức thủy
Tuỳ duyên hoá thế gian
Quang quang trùng chiếu chúc
Một ảnh nhật đăng san

Một bát nước công đức
Tùy duyên hóa thế gian
Sáng choang còn soi đuốc
Bóng mất trời lên cao.


Chữ Bát 鉢 (của "bát nước") và chữ Bát 八 (nghĩa là "tám") phát âm giống nhau. Hai chữ Nhật 日 và San 山 tại câu cuối ghép thành chữ Sảm 旵 (tên vua Huệ Tông) có nghĩa là mặt trời lặn sau núi, hết bóng, có thể liên tưởng đến một sự chấm dứt. Bài sấm này được diễn dịch đại ý là: Lý Công Uẩn sẽ tạo ra một triều đại mới tồn tại được tám đời vua, làm cho đất nước thanh bình, thịnh trị. Triều đại đó sẽ tàn khi có một vị vua mang tên có chữ "nhật" đặt trên chữ "sơn". Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã ra lệnh tôn tạo, mở rộng đền Phù Đổng và quy định thể thức tổ chức lễ hội. Theo Trần Quốc Vượng thì Lý Công Uẩn "là người sáng lập nhà Lý và khai sáng Phù Đổng từ một thổ thần thành một thiên vương. Chính ông đã tự hoá thân vào nhân vật Phù Đổng."


Hội Gióng 0606Fi05L


Từ 15 tháng Ba âm lịch trở đi, những người được phân vai bắt đầu diễn tập cho thành thạo. Ngày 15 tháng Ba, người ta rước hương đến đền Thượng để Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng khấn trình diện với Thánh Gióng và được người thủ từ giao cho cờ lệnh, chiêng, trống để tập. Hiệu cờ phải tập cầm cờ, múa cờ; các ông Hiệu khác tập đánh trống, chiêng...Cả tướng chỉ huy và binh lính đều phải tập động tác chào. Ngày 25 tháng Ba, chủ hội cho người đến đền Thượng dọn dẹp, rửa đồ thờ và sửa sang đường sá. Ngày 1 tháng Tư, đội ngũ được duyệt và từng người đảm nhận vai diễn được ghi vào một cuốn sổ chi tiết đến từng vị trí đứng trong đội ngũ để theo dõi, quản lý. Ngày 5 tháng Tư, tất cả tập trung trước cửa đền Thượng để tổng duyệt. Sự chuẩn bị và diễn tập rất công phu nhằm đảm bảo cho hoạt động trung tâm là hội trận diễn ra tốt đẹp vì nếu không thì sẽ có những điều không may xảy đến. Người dân cũng tin rằng chiều ngày chính hội sẽ có mưa hoặc mây kéo đến quanh đền, đó là bằng chứng của việc Thánh Gióng đã nhận lễ và ban mưa cho mùa màng trù phú.
Mỹ Linh
Mỹ Linh

Tổng số bài gửi : 89
Join date : 01/03/2009
Age : 28
Đến từ : Hà Nội

Về Đầu Trang Go down

Hội Gióng Empty Hội Gióng

Bài gửi by Mỹ Linh Mon Mar 02, 2009 4:33 am

Hành hội

• Ngày 6 tháng Tư: chuẩn bị chiến trường cho hội trận và làm lễ rước nước. Lễ rước nước là nghi thức lấy nước từ giếng trong đền Mẫu (còn gọi là đền Hạ, thờ mẹ Thánh Gióng) để rửa binh khí diễn ra vào khoảng 3 giờ chiều (giờ Dậu). Hai chiếc chum được đặt trên bệ ở bờ giếng. 80 quân phù giá đứng xếp hàng đôi từ bờ giếng dọc theo bậc tam cấp dẫn xuống giếng và dùng gáo bằng đồng múc nước rồi chuyền tay nhau để đổ vào bình qua một tấm vải lọc màu đỏ. Động tác đổ nước vào bình phải thực hiện theo hiệu lệnh của Hiệu chiêng. Theo niềm tin dân gian, nước được Thánh Gióng ban cho để mùa màng được tốt tươi, vũ khí rửa bằng nước này sẽ có uy lực mạnh mẽ, chiến thắng quân thù.

• Ngày 7 tháng Tư: buổi sáng làm lễ rước cờ lệnh đến đặt trước của đền Mẫu, khoảng 11 giờ trưa (giờ Tị) có lễ rước cỗ chay (chủ yếu gồm cơm và cà, món ăn đã nuôi Gióng lớn) từ đền Mẫu về đền Thượng để tế Thánh trong tiếng hát của phường Ải Lao. Tiếp đó là lễ rước khám đường với ý nghĩa thám thính đường ra trận.

• Ngày 8 tháng Tư: sáng sớm làm lễ tế Thánh rồi mở cửa đền để dân chúng vào lễ Thánh. Suốt buổi chiều đội quân phù giá luyện tập các động tác lễ Thánh, hành quân đồng thời tổ chức duyệt các cô tướng. Ngày trước, việc duyệt tướng ngoài mục đích diễn tập cho thuần thục còn chọn ra cô gái xinh đẹp, có động tác chuẩn xác nhất làm chánh tướng đồng thời cô này được trao một phần thưởng nhỏ.

• Ngày 9 tháng Tư: khoảng 11 giờ trưa, đội quân Văn Lang tập kết ở đền Thượng và làm lễ tế, các cô tướng cũng vào vị trí xuất phát ở đầu làng Đổng Viên. Khoảng 1 giờ chiều, đội thám báo đưa tin quân giặc đã kéo đến hạ trại ở bãi Động Đàm (tức Vũ Ninh theo truyền thuyết), trống nổi lên và mọi người tập trung ở đền Thượng chờ lệnh. Tiếp đó, phường Ải Lao dẫn hổ đến quy phục rồi ba hồi chiêng trống nổi lên bắt đầu cuộc hành quân chống ngoại xâm. Đội hình hành quân dẫn đầu là hai Hiệu tiểu cổ có 12 em bé cầm roi song đi trước. Theo sau là hổ cùng quân của phường Ải Lao, các ông Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu Trung quân rồi đến ông Hiệu cờ cầm cờ lệnh và con ngựa bạch do binh lính kéo. Tiếp đến là hòm đựng trang phục của Thánh Gióng và binh lính xếp hàng đôi ra trận. Đoạn đường hành quân từ đền Thượng đến nơi giặc Ân hạ trại tại làng Đổng Viên dài khoảng 3km và khi đi qua đền Mẫu đoàn quân dừng lại cúi đầu. Sau khoảng 1 giờ hành quân, đội quân Văn Lang đến nơi giặc Ân dàn trận, đó là bãi đất trước một hồ sen giữa hai con đê đầu làng Đổng Viên. Khu vực chiến trường là 3 cái chiếu trắng đã được xén một đầu, ở giữa có một cái bát ăn cơm úp lên giấy trắng. Trong khu vực đó dựng một bàn thờ trên mô đất cao. Chiếu tượng trưng cho đồng bằng, bát là đồi núi còn giấy trắng là mây. Toàn bộ đoàn quân của Thánh Gióng tập trung ở khu vực chiến trường và sau khi nghỉ 30 phút, trận đánh bắt đầu. Hiệu cờ cầm cờ lệnh tiến vào chiếc chiếu gần bàn thờ nhất để Khai chỉ với sự giúp đỡ của ông thủ từ mở lá cờ đựng trong bao. Người tham gia hội tranh nhau nhặt những mảnh giấy màu và gỗ hương từ trong bao tung ra để lấy may. Tuy nhiên để có sự công bằng, ông thủ từ bao giờ cũng lại khá nhiều mảnh giấy, mẩu gỗ để phân phát một cách cẩn thận cho người dân. Cuộc chiến đấu với giặc Ân được biểu trưng bằng việc ông Hiệu cờ tiến vào chiếu với lá cờ được giăng rộng, thực hiện những bước chân theo nghi thức rồi dùng chân phải hất tung chiếc bát và tờ giấy với ý nghĩa là đã vượt qua núi, qua mây. Tiếp đến ông quỳ gối theo tư thế mô phỏng hình chữ "lệnh" và hai tay cầm cờ phất 3 vòng theo hai nét ngoài của chữ "lệnh" trong tiếng đếm đồng thanh của những người dự hội rồi đứng dậy đi giật lùi ra khỏi chiếu. Ông Hiệu cờ vừa rời chiếu thì đám đông xô vào tranh nhau tìm cách lấy được một mẩu chiếu với niềm tin nó sẽ mang lại may mắn, tránh được bệnh tật, thậm chí phụ nữ vô sinh cũng có thể có con. Vì vậy "trong khi trận đánh chẳng gây nên chút thiệt hại vật chất nào, thì chính những chiếc chiếu này có khi lại làm đổ máu". "Trận đánh" lần lượt thực hiện trên 3 cái chiếu và khi chiếc cuối cùng được đám đông lấy đi cũng là lúc giặc Ân bị đánh tan, tướng giặc rút lui, các cô tướng được kiệu về phía làng Phù Đổng. Đội quân Thánh Gióng ca khúc khải hoàn, trật tự kéo về đền Thượng, ông Hiệu cờ cắm lá cờ lệnh vào chính điện, ngựa trắng dừng trước bái đường sau chiếc bàn đặt mũ áo của Gióng. Một bữa tiệc lớn dọn ra trước sân đền để khoản đãi đoàn quân thắng trận. Tuy vậy, chiến thắng chưa phải đã trọn vẹn. Đội thám báo lại đến trình với đức Thánh rằng giặc Ân đã chỉnh đốn lại đội ngũ và kéo đến tận làng Phù Đổng. Sở dĩ như vậy là do khi đánh trận, ông Hiệu cờ đã phất cờ ngược, thay vì phất nét trái của chữ lệnh trước, ông đã phất nét phải. Tướng sỹ bỏ dở buổi tiệc vội vã ra trận dẹp thù. Lần này giặc Ân đóng quân ở giữa đền Thượng và đền Mẫu còn chiến trường là bãi đất dưới chân đê gọi là Sòi Bia. Đường tới chiến trường phải qua trại địch, theo truyền thống, mỗi lần ông Hiệu cờ đi qua đây, người ta nổ một quả pháo lớn biểu hiện rằng tình hình rất nguy kịch. Cuộc "chiến đấu" lại lần lượt diễn ra trên 3 cái chiếu nhưng lần này ông Hiệu cờ phất cờ lệnh đúng theo chiều thuận và kẻ thù thất bại hoàn toàn. Những mảnh chiếu lại bị tranh giành. Các cô tướng đứng xếp hàng trên sườn đê dẫn vào đền Thượng xin đầu hàng để ông Hiệu cờ duyệt lại. Chánh tướng và phó tướng phải rời kiệu đi bộ đến Đền, quỳ trước bàn thờ lạy bốn cái, vái hai cái. Ông thủ từ cầm gươm của chúng dùng mũi gươm hất mũ, áo ra đem vào chính điện dâng lên Thánh Gióng. Coi như hai tướng đầu sỏ của giặc đã bị hành quyết còn các tướng còn lại đều được tha. Lúc này trời cũng đã tối và binh sỹ yên tâm ăn tiệc mừng thắng trận.

• Ngày 10 tháng Tư: làm lễ rước vãn để điểm quân, kiểm tra lại khí giới và làm lễ tạ Thánh Gióng, mở tiệc ở đền Thượng khao tướng sỹ. Tướng giặc đầu hàng đến dâng lễ vật và cũng được mời dự tiệc.

• Ngày 11 tháng Tư: tổ chức lễ rửa hội, rước nước và rửa binh khí. Trò chơi diễn ra khắp nơi, có giải đấu vật, diễn trò trước đền Thượng cùng với hát chúc tụng Thánh.

• Ngày 12 tháng Tư: lễ rước cắm cờ, quân Văn Lang rà soát lại chiến trường từ Động Đàm đến Sòi Bia xem quân địch có còn sót lại không. Cờ trắng được cắm dọc đường biểu trưng cho việc kẻ địch đã thực sự đầu hàng. Buổi sáng cũng có thi hát và chọn ra 4 cô gái hát hay nhất để ca khúc Lạc thành, biểu hiện niềm vui thắng giặc, đất nước thanh bình khi mãn hội. Buổi chiều làm lễ tế cáo thắng trận với trời đất và hạ hội.


Lịch hành hội theo truyền thống như trên nhưng những Hội Gióng gần đây có thể được rút ngắn, các hoạt động được bố trí dồn lại trong ít ngày hơn. Tuy nhiên nghi thức tái hiện chiến công thắng giặc Ân của Thánh Gióng bao giờ cũng diễn ra vào ngày chính hội, mùng 9 tháng Tư.

Để hạn chế sự tranh giành những mảnh chiếu trong hội, cách phân chia chiếu được quy định như sau: Ở trận đánh đầu tiên, chiếu thứ nhất dành cho quân lính làng Phù Đổng, chiếu thứ hai cho làng Phù Dục còn chiếc thứ ba cho những người còn lại. Tại trận đánh thứ hai, chiếu đầu tiên dành cho binh lính làng Đổng Viên, chiếu thứ hai cho làng Đổng Xuyên và chiếc cuối cùng cho những người còn lại.

Người ta tin rằng lá cờ lệnh cũng đem lại may mắn và sau khi lá cờ của năm trước dùng để tập xong, nó được phân chia cho ông Thủ chỉ phần có chữ "lệnh"; cho các ông Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng phần từ chữ "lệnh" đến cán cờ; phần còn lại chia cho dân chúng nơi làm chủ hội.

Theo truyền thống, phường Ải Lao hát 12 bài hát trong quá trình diễn ra lễ hội: 1.Vào đền dâng lễ; 2.Chầu trước điện thần; 3. Ra khỏi đền; 4.Chầu trước đền Mẫu; 5.Hát múa cờ; 6.Hát câu cá; 7.Hát săn hổ; 8.Hát vây hổ; 9.Hát bắt hổ; 10.Hát sau khi bắt được hổ; 11.Hát rước trận; 12.Hát về đền sau khi thắng trận. Tuy nhiên theo thời gian lời bài hát có nhiều biến đổi và nhiều bài không còn giữ được nghĩa gốc nữa.


Hội Gióng HAVN21062008a1
Mỹ Linh
Mỹ Linh

Tổng số bài gửi : 89
Join date : 01/03/2009
Age : 28
Đến từ : Hà Nội

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết