Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

cac tac pham van xuoi ve HN (5)<tiep>

Go down

cac tac pham van xuoi ve HN (5)<tiep> Empty cac tac pham van xuoi ve HN (5)<tiep>

Bài gửi by Thu Huyền Tue Mar 03, 2009 9:24 am

Luận ngừng lời. Đông có nghe không mà mặt vẫn ngoảnh ra ngoài cửa sổ. Chắc chắn là Đông không tiếp nhận ý kiến của Luận đâu. Thấy Luận im. Đông từ từ quay lại:
- Cậu hay lí sự, phức tạp hoá các vấn đề quá!
Luận cười, cố giấu vẻ chua chát:
- Thôi, bảo lưu mọi ý kiến đã. Bây giờ nó đi rồi. Hậu quả thế nào cũng có và phải giải quyết, anh ạ.
- Đến công an, nói: Chúng tôi từ nó. Thế thôi!
- Đơn giản thế thôi à? - Luận nhăn nhăn trán, ngẩng lên. - Thôi được. Còn việc này: Có nên để ba biết sự thật không?
- Ý cậu thế nào?
- Không nên! Hiện nay, cụ mới chỉ biết là nó bỏ việc ở xí nghiệp mà cụ đã buồn lắm rồi. Cụ đã viết thư kể việc này với tất cả mọi người thân thích trong nhà, kể cả chị Hoài, vợ anh cả Tường ngày trước. Em sợ sức khoẻ của cụ không chịu nổi… mặc dù em biết cụ luôn luôn tự chủ, muốn giữ thế cân bằng.
** *
Trời, chị Lý, bàn tay chị là bàn tay vàng. Trông chị lóc thịt kìa: Lưỡi dao bài mảnh như cái lá úa, sục vào tảng thịt, rạch rạch, tở từng lát dài gọn như xén, trông đã phát thèm. Miếng thịt gói bánh to bản, dày vừa độ, có cả mỡ, cả nạc, ướp muối tiêu, không ướp nước mắm sợ để lâu bánh
thiu, xếp đầy ụ hai cái bát ô tô. Chỗ đỗ đồ vàng tơi nóng hổi. Mắt nhìn, miệng nói mà hai tay mềm mại thoăn thoắt vần chuyển, tăm tắp trong mọi động tác. Tấm lá bọc lau miết, sạch bóng. Hàm răng nhỏ trắng ngời tước cái cọng lá. Những ngón tay búp măng vặn cái lạt giang mềm óng ả. Một tiếng đồng hồ, gói gọn thon lỏn yến rưỡi gạo nếp. Tất cả, vừa nãy, còn ngổn ngang thúng, mẹt, nồi niêu, gạo, đỗ, lá, lạt, giờ đã chặt chịa ba chục cái bánh gói không khuôn mà chiếc nào cũng giống chiếc nào, cao thành, vuông góc, đều như đúc.
Một ngày ngắn ngủi qua, toàn bộ công việc chủ yếu của cái Tết lớn đã đâu vào đó. Phượng như cái bóng bám theo Lý, chịu sự điều hành, chi phối của Lý. Lúc nắm đỗ, khi bổ củi, lúc rửa rau, khi bóc tỏi. Phượng là cái tay cái chân của Lý, nhất nhất mọi việc đều thực hiện theo sự chỉ bảo của Lý. Cạnh Lý, Phượng càng lúc càng thấy mình lóng ngóng, tuềnh toàng, nhạt nhẽo thế nào.
Lý thật hoạt, thật vui, thật khéo, thật là người làm chủ công việc. Lý cười ha hả, cười hết cỡ và hoàn toàn tự nhiên, không bị ràng buộc, ăn nói thật bỗ bã, lắm khi thật bặm trợn mà nghe vẫn không chối tai.
- Mày có tin không, Phượng? Có lần tao cắt tiết trâu rồi đấy.
- Thật à, chị?
- Chẳng có khỉ khô gì cả. Ai làm được cái gì, tao cũng không chịu lép. Khắc làm, khắc quen. Lão giám đốc bảo tao: “Cô Lý, xem ra cô là người năng động, coi kho phí đi, tôi điều cô sang chạy vật tư, ưng không?” Được, tao bảo, ông làm quyết định đi. Thử tay nghề nhau một tháng nhé. Tốt, phải tăng lương đấy. Tao sang phòng vật tư một tháng, bao nhiêu ách tắc lưu cữu, cứ là bay. Bột nhẹ có rồi, kếp có rồi, sắt thép có rồi, nhưng nằm chết gí ở Cảng đã nửa năm nay. Để tôi giải quyết. Đưa hai nghìn đây. Tao chỉ gióng một tiếng, năm ôtô tải đến, đích thân tao xuống cảng. Một tuần sau, kho xí nghiệp **** còn chỗ nào mà nhét nữa.
- Chị tài quá.
- Tài cóc khô gì! Chẳng qua là vì lão trưởng phòng không sai khiến nổi bọn con gái và mụ vợ lão thứ trưởng bị thịt trong phòng. Lão này năm chục cái xuân xanh, chưa vợ, xấu như ma, giàu ghê gớm, nhưng lại cứ hay ken két nguyên tắc rởm. Tao bảo lão: “Ông ơi, ông phải biết nịnh nọt quân của ông, phải biết ra lệnh lại phải biết bưng phở cho họ xơi. Đời phải biết nựng nọt, cưng chiều nhau chứ. Nịnh cũng tuỳ chỗ mới là xấu. Chứ vợ chồng nịnh nhau, chiều chuộng nhau thì xấu ở chỗ nào? Giờ lão Trưởng phòng là thần nịnh. Lúc nào cũng “Cô Lý thân mến”, “Cô Lý thân quý”. A, lão thủ thỉ, cũng có duyên ra phết. Nhưng, ông ơi, tao bảo lão, phải giữ khoảng cách đấy nhé. Tôi, gái có chồng rồi, cứ cặp kè nay đi công tác với ông, mai đi chạy hàng với ông, không giữ gìn thì làm bia miệng cho thiên hạ đấy. Lão nghe, mặt cứ đực ra..
Lý cười nắc nẻ. Công việc hoà quyện hai người. Chuyện tâm tình quấn quýt say sưa mà Lý vẫn không sao nhãng mảy may công việc.
- Thôi, nổi lửa cho nồi bánh đi, Phượng! Nhớ đun đều. Nghe lạch xạch là cho nước thêm. Đặt cái chậu thau nước lên nắp thùng này cho nó nóng.
Cái thùng bánh cao lù lù. Giục Phượng, nhưng Lý cũng xắn tay áo ra sau bếp, vác bao trấu mua trữ đã hơn tháng nay vào, rải quanh bếp.
Lửa bén củi, cháy một khối vàng đậm dưới đáy thùng, liếm chờm lên cạnh thùng, lơ lơ xanh. Ngoài sân, tối nhập nhoạng. Khu vườn quẩn hơi sương trắng mờ. Cái cổng sắt bị hơi gió tạt chốc chốc lại rung cành cạch. Pháo nổ ở cuối phố đì đẹt vọng lại.
Lý kéo cái thớt đại gỗ nghiến ra cửa bếp, đặt miếng thịt bò định thái để nấu sốt vang, sực nhớ lại bỏ đấy chạy vào nhóm bếp dầu rán mỡ. Phượng nhấp nhổm quanh thùng bánh:
- Có con mèo đen nó quẩn quanh ở trong vườn, chị Lý ạ.
- Mèo hoang đấy, hôm nọ tớ thấy nó tót cả lên bàn thờ.
- Mình nên nuôi một con, chị ạ. Nhà lắm chuột quá.
- Mèo nuôi phải có thần nó mới ở lại với chủ. - Lý cúi xuống cái thớt. - Tớ đã mua về hai con. Đo đuôi, ném que đo xuống một chỗ, kéo tai nó đi quanh chỗ đó ba vòng rồi bắt nó lạy ông thổ công, nó vẫn ị bậy, tức, đánh cho một trận, nó bỏ đi liền. Càng may, tớ kinh cứt mèo lắm. À này, lạc ngâm đường ở trên buồng được rồi đấy. Lên vớt ra, đem xuống đây hong đi, Phượng. Thôi chết, cái bếp dầu hở bấc hay sao?
Lý đứng dậy, lộp khộp đôi guốc cao, chạy vào phía trong bếp. Phượng lên buồng vớt lạc, lát sau qua sân xuống bếp, vừa đi vừa lắc rổ lạc còn ướt.
- Ối trời!
Chỉ suýt nữa là Phượng buột tay để rơi rổ lạc ngâm xuống đất. Kinh quá! Lợi dụng lúc Lý chạy vào đập lửa bếp dầu, một con mèo đen như cục than, từ đâu đã lẻn vào định cắp miếng thịt bò đang nằm thu lu một khối trên thớt. Nhưng, nó mới chỉ kịp hập miệng vào miếng thịt, Lý đã quay ra và sự việc đã xảy ra nhanh như một tia chớp. Lý nhanh hơn con mèo, và con mèo đã nhận trọn cú đá hết sức giận dữ của Lý, như một búi giẻ bắn vọt ra sân.
Kinh hãi, Phượng sững lại ở cửa bếp, quay mặt đi. Trong cửa bếp, lửa hắt vàng ngời, Lý đã ngồi thái thịt, điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
- Con mèo khéo chết mất, chị Lý ạ. - Phượng run rẩy, lách qua cửa bếp.
- Kệ cha nó!
Lý đáp thản nhiên. Lưỡi dao sần sật chạm thớt. Lát sau, Lý chợt ngẩng lên, nhìn ra sân, reo:
- A, ông Luận, xuống giúp chị em tôi một tay chứ!
Luận thật, Luận mới đi đâu về, người ẩm sương, len qua cửa, ngồi xuống cạnh bếp gần Phượng, quay đầu lại, hỏi:
- Có việc gì chị cứ sai bảo đi.
- Này, có biết ăn thịt mèo không? Có con mèo hoang hay vào ăn vụng lắm, bắt làm thịt đi. Tớ làm thịt mèo giỏi có tiếng từ hồi sơ tán đấy!
Phượng rùng mình. Lý cười khành khạch, tiếng cười hoà với tiếng pháo từ xa dội về càng lúc càng dầy. Luận nghênh tai, tủm tỉm:
- Ngày Tết, ai lại ăn thịt mèo. Có cách này trừng phạt mèo hay hơn. Bắt được cô nàng, ta buộc bánh pháo vào đuôi.
- Có thừa pháo!
- Chị Lý, Phượng này, bọn phe có đứa chơi ngông, ngày ông táo chầu trời, đốt bánh pháo dài ba mét.
- Ba mét đã ăn thua gì! - Lý ngẩng lên, bĩu môi. - Năm mét. Thả từ gác hai xuống tới đất. Đám cưới con bạn tôi đấy. Nó là y sĩ, chẳng hiểu tử vi thế nào mà lão thầy xướng: Số cô sẽ là hoàng hậu. Thế có điên không! Năm kia nó cưới một anh giáo, khổ mà hớn hở quá, đốt một lúc năm trăm đồng tiền pháo. Ngu hết chỗ nói. Cưới với chả xin. Biết là khổ mà cứ lao vào.
Luận nghiêng mặt, nhìn bà chị dâu. Giọng bà này tròn nuột, âm vang mà ý tứ thì thật ngộ, thật bất ngờ.
Phượng cúi xuống đẩy gộc củi, ngẩng lên chép miệng, bâng khuâng:
- Khổ, không biết Tết này chú Cừ bơ vơ ở nơi nào!
- Nhắc đến cái thằng ích kỉ hại nhân ấy làm gì. - Lý khẽ gắt, đứng dậy, cầm bát thịt cất vào chạn.
- Này, ông Luận, ông và ông Đông chuẩn bị đón nhận hậu quả việc thằng Cừ đi nhé.
Luận ngẩng lên:
- Chị Lý, sao chị bảo thằng Cừ là thằng ích kỉ hại nhân?
- Rõ quá rồi còn gì. Thứ nhất, nó ăn cắp trứng gà của thằng Dư con tôi. Thứ nhì, nó đi nước ngoài về, không cho tôi đến một cái mùi xoa, mà tôi thì nuôi dạy nó tốn không ít công của. Thứ ba, nó bán len cho tôi, len nó đem từ Tây về ấy, đắt hơn bán cho người khác. Rõ chưa.
- Rõ! - Luận cười, gật mạnh đầu..
Phượng thở dài:
- Chỉ thương vợ con chú ấy.
- Ai bảo nó dại.
Lý quay ra, ngồi xuống trước bếp nấu bánh, buông một câu thật gọn. Luận nhíu nhíu cặp mày:
- Sao chị lại bảo vợ thằng Cừ dại?
- Chứ còn gì! Tất cả những đứa lấy chồng lúc hai mươi tuổi đều là dại, là ngu hết. Cả tôi cũng vậy, cũng ngu, cũng dại.
Trời! Cả Luận và Phượng cũng sửng sốt, bất ngờ. Bà Lý lại nổi cơn hùng hổ bất thường rồi. Người phụ nữ này có thể rất ý nhị, kín đáo, lại có thể, thoắt cái trở nên tàn nhẫn, bạo liệt vô cùng. Giờ là thế, giờ là tung thả không giới hạn, là thông thốc cả những chuyện thoạt nghe Phượng đã hồi hộp thót tim.
- Các cậu phải biết là, tớ mười ba tuổi từ nhà quê lên đất Hà Nội này, đã biết ngay rằng: Làm thân con gái phải biết giữ mình. Hé! Khôn ba năm dại một giờ là vậy. Đón dâu buổi sáng, buổi chiều cô dâu lên bàn đẻ. Có đứa ở xí nghiệp tớ thế đấy. Đó là dại, là ngu. Phượng à, mày có con gái, mày phải dạy nó đanh đá thật lực vào, đối với bọn con giai phải cay như hạt tiêu sọ, phải biết tính toán trước sau. Cái lão Đông, anh trai ông ấy, ông Luận ạ, ngót ba chục cái lá vàng rơi, hồi ấy trông cũng bảnh, mà không hiểu sao mới chỉ có dăm ba lần gặp nhau mà mình đã cảm chàng cơ chứ. Lão chẳng biết gạ gẫm. Ngộc nghệch, đơn sơ vô cùng. Nhưng, nếu gạ cũng đừng hòng. Tuy vậy, tớ vẫn dại. Một là vớ phải bà mẹ chồng ác nghiệt chẳng kém ai. “Này, thằng Đông kia, chết mẹ thì hết mẹ, chứ chết vợ này lấy được vợ khác, con ạ”. Mới làm dâu được nửa tháng, đã nghe được câu ấy, hỏi có điên ruột lên không? Nhưng tớ không điên. Tớ ngọt nhạt: “Thưa mẹ, mẹ nói lại với ba con câu ấy để ba con nghĩ xem thế nào đã, có phải hay hơn không ạ”. Hé hé… Đó là một cái ngu của tớ.
Luận đưa đẩy:
- Còn điều ngu dại thứ hai?
- Đáng lẽ phải để đến bốn mươi như bây giờ hãy lấy chồng.
- Ha! Tình yêu của tuổi bốn mươi! Một đề tài độc đáo đấy.
Luận kêu, ngạc nhiên một cách thành thật.
Nhìn Luận hau háu đón chờ, Lý rành rọt:
- Cậu có hiểu không, vì tuổi bốn mươi mới có kinh nghiệm sống, mới hiểu đời, hiểu người, mới chín chắn, chín tới, chín nẫu ra.
- Chín thì có chín, nhưng hơi… già, chị ạ..
- Chả già tẹo nào cả. Tình yêu không có tuổi! Lần yêu thứ một trăm cũng cứ bồi hồi như lần yêu đầu.
Vấn đề nghiêm túc đây. Luận nghĩ. Lý vẫn không đổi giọng:
- Mười tám, đôi mươi, thật ra chỉ mới biết sơ sơ thằng chồng mình mồm ngang mũi dọc, mắt mọc hai bên thôi, chứ đã biết tâm tính, triển vọng nó thế nào. Đã làm gì có kinh nghiệm nhận xét người. Như tôi lấy ông Đông lúc mười bảy tuổi. Mười bảy tuổi, hồn nhiên thì có, nhưng ai dám đảm bảo là đã lựa chọn đúng người mình sẽ chung sống suốt đời được?
- Chị nói thế chưa hoàn toàn đúng. Vấn đề là phải dắt dìu nhau, tạo ra sự hoà hợp về tâm lí trong cả quá trình chung sống chứ. Nghĩa là cả hai bên phải chủ động!
Lý lắc đầu, môi nhệch cái cười mệt mỏi:
- Thế thì sống với nhau vất vả quá. Mà đời thì vốn đã khó nhọc lắm rồi.
- Hay tuyệt! Được rồi! Vậy chị quan niệm người chồng lí tưởng của chị phải là thế nào. Biết nựng nọt cưng chiều vợ chăng?
- Cậu nghe lỏm chuyện tôi với cô Phượng vừa rồi, hả? Dơ! - Lý thưỡi dài môi dưới, chao chát. - Lầm rồi cậu ơi! Nịnh nọt nhau chỉ là chuyện ở trong nhà thôi. Còn ở ngoài xã hội, người chồng phải làm hãnh diện cho vợ. Hãnh diện, cậu có hiểu không?
______________

Thu Huyền

Tổng số bài gửi : 38
Join date : 03/03/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết